header

CÁC LOẠI BÁNH TÉT ĐỘC ĐÁO Ở CẦN THƠ

Bánh Tét trong ký ức của nhiều dân miền Tây đó là món bánh nếp với nhân đậu xanh, chuối như là một sự hiện diện rất đặc trưng mà năm nào cũng phải có. Thế nhưng không biết tự bao giờ, chiếc bánh tét  được cho là “tiêu chuẩn” ấy đã xuất hiện nhiều phiên bản với đủ màu sắc, hương vị khác nhau. Bánh Tét của Cần Thơ cũng có nét riêng của mình và trở thành một món ăn đặc sản đối với du khách.

 

Nức tiếng Bánh tét lá cẩm

Bánh tét lá cẩm ở Cần Thơ nổi tiếng ngon, màu sắc đẹp, vị lạ không nhầm lẫn vào đâu được, trong đó có “gốc gác” từ một gia đình họ Huỳnh, làm nghề bánh tét đã hơn 40 năm. Bánh tét lá cẩm được yêu thích bởi phần nếp dẻo, thơm, béo hương vị nước cốt dừa, hấp dẫn bắt mắt với màu tím không thể lẫn lộn của lá cẩm, và vị mặn, ngọt đậm của nhân từ thịt, trứng muối và đậu xanh.

Bánh tét lá cẩm nức tiếng của Cần Thơ. Ảnh: T.H

 

Quá trình chế biến loại đặc sản này của Cần Thơ rất công phu, nếp phải ngon, không lẫn gạo tẻ, lá cẩm phải tươi để được màu tím thật đẹp. Nhân bánh là đậu xanh, thịt và trứng muối được gói trong lá chuối tươi. Công đoạn gói cần đến tay nghề thật đỉnh của người làm bánh để có được đòn bánh tròn đều, các loại nhân nằm ngay chính giữa của bánh để khi cắt ra các khoanh bánh thật cân đối và đẹp mắt với màu tím của lá cẩm, màu vàng ươm của đậu, màu đỏ cam của trứng muối.

Cắn một miếng bánh, vị nếp dẻo, ngọt đậm của thịt, hòa với một chút béo, chút mằn mặn của trứng muối đọng trong đầu lưỡi để rồi chỉ muốn đưa lên miệng cắn thêm miếng nữa bởi sự khác biệt rất rõ ràng so với bánh tét truyền thống.

Đến Cần Thơ mà không mua vài đòn bánh Tét lá cẩm về làm quà thì thật là đáng tiếc. Giá của mỗi đòn bánh tét lá cẩm 800g cũng chỉ tầm khoảng 100 ngàn đồng. Thông thường hạn sử dụng của bánh tét lá cẩm là 4-5 ngày, tuy nhiên nếu ép chân không và trữ trong tủ lạnh, bạn có thể dùng trong 1 tháng.

 

Độc đáo món Bánh tét chùm ngây

Trước đây, Bánh tét lá cẩm Cần Thơ nổi tiếng khắp vùng thì giờ lại có thêm món bánh tét chùm ngây Cồn Sơn vừa ngon, vừa lạ.

Rau chùm ngây, một loại nguyên liệu có rất nhiều ở Cồn Sơn. Ảnh: T.H

Rau chùm ngây, một loại nguyên liệu có rất nhiều ở Cồn Sơn. Ảnh: T.H

 

Chùm ngây là loại cây hoang dã mọc rất nhiều dọc các con đường mòn ở Cồn Sơn. Đây là loại cây chứa rất nhiều khoáng chất, vitamin và cả chất đạm, trước đây chùm ngây được người dân dịa phương dùng làm rau hoặc phơi khô sử dụng như một loại trà. Sau này, nghệ nhân bánh dân gian Lê Thị Bé Bảy quyết định chọn chùm ngây làm nguyên liệu cho bánh tét, để phục vụ du khách đến tham quan Cồn Sơn nhằm vừa giữ nét truyền thống, vừa đổi mới, sáng tạo.

Bánh tét chùm ngây chế biến cũng rất công phu. Nếu như gói bánh tét thông thường, nếp chỉ cần rút sạch rồi trộn với nước cốt hoặc xào nếp chín một phần nhưng với bánh tét chùm ngây thì đòi hỏi nếp phải hấp chín để giữ hương vị và dưỡng chất của chùm ngây. Bánh sau khi gói thì được hấp tiếp khoảng 3 giờ là có thể thưởng thức được.

Bánh tét chùm ngây có màu xanh bắt mắt và mùi thơm đặc trưng, vị ngọt nhẹ, không có hậu đắng như khi nấu canh. Do chùm ngây chứa dinh dưỡng cao nên bánh tét chùm ngây thường được làm bằng nhân chuối hay đậu xanh, rất phù hợp cho người ăn chay và những ai cần bồi bổ cơ thể.

Bánh tét chùm ngây rất bắt mắt và rất ngon. Ảnh: Duy Khôi

 

Bánh tét chùm ngây là món ăn lạ miệng đang chinh phục thực khách khi tham quan Cồn Sơn. Du khách có thể ăn tại chỗ hoặc mua về làm quà biếu với giá mỗi đòn bánh khoảng 100.000 đồng.

 

Sang chảnh Bánh tét hồng đẳng sâm

Cần Thơ nức tiếng với bánh tét lá cẩm, độc đáo với bánh tét chùm ngây Bình Thủy và cũng không lạ khi người Bình Thủy lại tiếp tục giới thiệu một sáng tạo mới - bánh tét hồng đẳng sâm.

Bánh tét hồng đẳng sâm là kết quả của quá trình lưu giữ truyền thống, không ngừng tìm tòi sáng tạo của nhiều thế hệ gia đình bà Bàn Thị Xiếu, cũng là mẹ của chị Lê Thị Bé Bảy - người đạt giải nhất tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ năm 2015 với chiếc bánh phu thê. Theo chia sẻ của gia đình, loại bánh này đã được gói từ hơn 20 năm trước, lúc đó nhân là củ sâm Cao Ly. Ngày nay, củ sâm Cao Ly đã được thay thế bằng sản vật thuần Việt hơn, đó là hồng đẳng sâm - loại sâm đất được trồng ở vùng núi đồi Gia Lai. Hồng đẳng sâm là nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao, bổ sung năng lượng, tốt cho sức khỏe.

Nghệ nhân bánh tét dân gian Lê Thị Bé Bảy với xề bánh tét chùm ngây và hồng đẳng sâm . Ảnh: Thúy An

 

Vẫn là cách gói và nấu bánh như loại bánh tét truyền thống từ xưa giờ, nhưng bánh tét nhân sâm có điểm độc đáo và "sang trọng" hơn nhờ nhân bánh có thịt gà, trứng muối và hồng đẳng sâm. Loại bánh này có lớp nếp vỏ bánh màu xanh tự nhiên của hoa đậu biếc. Bánh tét hồng đẳng sâm có hương vị lạ, thơm, bùi nhưng không ngán. Vị sâm cũng không quá nồng, thoang thoảng vị thuốc, lại ngọt dịu. Cắn một miếng sẽ thấy lạ, ăn miếng nữa lại thấy vị hấp dẫn, cứ thế ăn hết một khoanh bánh lúc nào không hay.

Nguyên liệu chủ yếu làm nên loại bánh tét độc đáo này chính là Hồng đẳng sâm. Ảnh: Lan Ngọc

 

Do nguyên liệu không dễ tìm, lại kỳ công trong khâu chế biến nên bánh tét hồng đẳng sâm có giá không hề rẻ, khoảng 250.000 đồng/đòn, nhưng vẫn đắt khách. Bánh cũng không được bán đại trà mà theo đơn đặt hàng, mỗi tuần gói bánh hai lần, mỗi lần ra được một mẻ 50 đòn.

Bánh tét Hồng đẳng sâm không hề rẻ nhưng vẫn đắt khách bởi hương vị độc đáo của nó. Ảnh: Ái Lam

 

Du khách có thể mua bánh tại Cantho Farm (79, Võ Văn Kiệt) hoặc đặt bánh theo số điện thoại: 0912302575.

T.H - TTPTDL